top of page

Lãnh đạo áp dụng mô hình Whole-Person Paradigm trong việc dẫn dắt cá nhân và tổ chức như thế nào?

20 tháng 10 2024

Mất 5 phút để đọc

0

27

0

Mô hình Whole-Person Paradigm (tạm dịch: mô thức con người tổng thể) xem xét con người trên 04 khía cạnh tổng thể: tâm trí (mind), trái tim (heart), tinh thần (spirit) và cơ thể (body), đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong việc phát triển cá nhân và phát triển lãnh đạo trong tổ chức. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất công việc mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mà mỗi cá nhân đều cảm thấy được trân trọng và phát triển toàn diện. Tại Việt Nam, Whole-Person Paradigm được tổ chức Franklin Covey tiên phong giới thiệu và đang được triển khai tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Xét chi tiết hơn ở từng khía cạnh:


1. Tâm Trí (Mind)


Lãnh đạo không chỉ cần làm rõ tầm nhìn - sứ mệnh - giá trị cốt lõi, mà còn cụ thể hoá các mục tiêu phát triển ở từng giai đoạn. Nhờ vậy, khả năng tư duy phản biện, tinh thần tập trung hướng tới mục tiêu chung và cảm hứng sáng tạo sẽ được khơi mở ở từng nhân sự, đối tác. Điều này còn có thể được thực hiện thông qua việc khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình đặt mục tiêu cá nhân, ra quyết định, chia sẻ ý tưởng và phản hồi toàn diện 360 độ. Theo Dwight D. Eisenhower, "Lãnh đạo là khả năng khiến người khác làm những gì bạn muốn vì họ muốn làm điều đó", và một tâm trí sáng rỡ, rõ ràng, tập trung ở mỗi nhân sự sẽ giúp thúc đẩy một môi trường làm việc cùng hướng tới mục tiêu chung, kích thích tư duy sáng tạo đột phá và nâng cao sự tự tin trong đội ngũ.


Ví dụ thực tiễn: Google nổi tiếng với mô hình làm việc tự do, sáng tạo và văn hoá quản lý theo OKR (Objective & Key results), giúp nhân viên luôn nắm rõ mục tiêu tổng thể của tổ chức, kết nối với từng mục tiêu cá nhân, quản lý sự tập trung, làm việc hiệu quả (theo nguyên tắc pareto 80/20). Từ đó, các kết quả kinh doanh không chỉ được đáp ứng mà nhiều sản phẩm đột phá, thành công như Gmails và Google News được dần ra đời.


2. Trái Tim (Heart)


Có thể nói, không ai có thể sống thiếu tình yêu thương, và một tổ chức cũng vậy. Lãnh đạo cần phải có khả năng kết nối với nhân viên, thể hiện sự đồng cảm, thấu cảm và quan tâm sâu sắc đến cảm xúc, trạng thái tinh thần của họ. Trước nay, việc lãnh đạo thể hiện sự gần gũi và quá đồng cảm với nhân viên được cho là điểm yếu, như một yếu tố mất đi quyền lực. Đến nay điều này có vẻ không còn đúng nữa. Đặc biệt ở những nước Á Đông như Việt Nam, vốn tôn trọng cảm xúc và tính tập thể, thì một lãnh đạo quá khô khan lại là một trở ngại. Daniel Goleman, "cha đẻ" của việc phổ biến EQ ra toàn cầu, cũng cho rằng "Cảm xúc không phải là một thứ yếu, mà là một phần thiết yếu của việc lãnh đạo". Do đó trong tổ chức, việc lãnh đạo triển khai các hoạt động xây dựng tinh thần đội nhóm có thể giúp nhân viên cảm thấy được trân trọng, được gắn kết, từ đó tạo động lực làm việc tốt hơn.


Ví dụ thực tiễn: Công ty Biti's có chương trình Happy Biti's, triển khai mô hình lãnh đạo nhân văn, kiến tạo nơi làm việc hạnh phúc cho hàng ngàn nhân viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động chánh niệm, chăm sóc tinh thần, du lịch, các buổi tiệc giúp gia tăng tình thân và sự gắn kết của đội ngũ.


3. Tinh Thần (Spirit)


Khía cạnh này nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị và lòng tin. Lãnh đạo không chỉ cần định hình một sứ mệnh rõ ràng và truyền cảm hứng cho tổ chức, mà còn là một người cam kết hành động để giữ vững lòng tin, sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm nơi đồng đội. Việc chia sẻ, cam kết và nhất quán những giá trị cốt lõi sẽ tạo ra một văn hóa tổ chức đồng lòng và mạnh mẽ. "Một nhà lãnh đạo không chỉ là người chỉ huy, mà còn là người truyền cảm hứng" - John C. Maxwell.


Ví dụ thực tiễn: Công ty Patagonia nổi tiếng với cam kết bảo vệ môi trường. Sứ mệnh của họ không chỉ dừng lại ở việc bán hàng mà còn truyền cảm hứng cho nhân viên và khách hàng tham gia vào các hoạt động kiến tạo sự phát triển bền vững cho hành tinh xanh.


4. Cơ Thể (Body)


Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, sức khỏe thể chất cũng đóng một vai trò quan trọng trong hiệu suất làm việc. Lãnh đạo cần tạo điều kiện cho nhân viên có một lối sống lành mạnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao và khuyến khích nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp nâng cao năng suất lao động.


Ví dụ thực tiễn: Các công ty như Facebook và Salesforce thường tổ chức các hoạt động thể thao và cung cấp không gian tập gym cho nhân viên, giúp họ duy trì sức khỏe và tăng cường năng lượng.



Mở rộng ra, nếu nhìn cả tổ chức / công ty như một chỉnh thể sống hoàn chỉnh, thì điều lãnh đạo cần làm:


  • Với "Mind": Làm rõ mục đích (Clarify purpose)

  • Với "Heart": Khai phóng tiềm năng (Unleash talent)

  • Với "Body": Thống nhất hệ thống vận hành (Align system)

  • Với "Spirit": Truyền cảm hứng về lòng tin (Inspire trust)


Như vậy, mô hình Whole-Person Paradigm cung cấp một khung lý tưởng để lãnh đạo cá nhân và tổ chức phát triển bền vững. Bằng cách chú trọng đến bốn khía cạnh: tâm trí, trái tim, tinh thần và cơ thể, lãnh đạo có thể xây dựng một môi trường làm việc tích cực, không chỉ giúp nâng cao hiệu suất cá nhân mà còn tạo ra một tổ chức mạnh mẽ và linh hoạt hơn.


Tài Liệu Tham Khảo

"The 7 Habits of Highly Effective People" - Stephen R. Covey

"Emotional Intelligence" - Daniel Goleman

"The Leader’s Guide to Emotional Intelligence" - Drew Bird

Mô hình này không chỉ là một chiến lược lãnh đạo mà còn là một phương pháp nuôi dưỡng và phát triển con người trong tổ chức.

20 tháng 10 2024

Mất 5 phút để đọc

0

27

0

Related Posts

Bình luận

Chia sẻ suy nghĩ của bạnHãy là người đầu tiên viết bình luận.
bottom of page