
Sự khác biệt cơ bản của 06 hình thức hỗ trợ con người phổ biến: khai vấn, cố vấn, tư vấn, tham vấn, chữa lành, đào tạo
0
9
0
Sau đại dịch Covid-19, xã hội bước đến những sự thay đổi và khủng hoảng mới, nhu cầu hỗ trợ tâm lý và phát triển cá nhân ngày càng gia tăng. Trong đó, có 06 hình thức hỗ trợ thường được nhắc đến là: khai vấn (coaching), cố vấn (advising/ mentoring), tư vấn (counseling), tham vấn (consultation), chữa lành (healing) và đào tạo (training). Việc hiểu được sự khác biệt của mục tiêu và phương pháp trong từng hình thức có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn, ứng dụng với từng trường hợp, đối tượng và nhu cầu cụ thể. Để độc giả dễ hình dung, dưới đây là một số hiểu biết cơ bản:
1. Khai Vấn (Coaching)
Khai vấn hướng tới hỗ trợ cá nhân trong việc đạt được mục tiêu cá nhân hoặc nghề nghiệp ở tương lai. Theo định nghĩa của Liên đoàn Khai vấn quốc tế ICF (International Coach Federation), khai vấn là "quá trình đồng hành cùng khách hàng đi qua một quá trình kích thích tư duy, sáng tạo, tạo cảm hứng tối ưu hóa tiềm năng trong công việc và cuộc sống". Khai vấn viên sử dụng phương pháp lắng nghe sâu và đặt câu hỏi gợi mở, trao quyền để khách hàng tìm thấy câu trả lời sẵn có bên trong và đưa ra lựa chọn thông suốt nhất. Khai vấn viên không nhất thiết phải có kiến thức hoặc kinh nghiệm chuyên môn trong chủ đề mà khách hàng mang tới, chỉ cần đủ hiện diện, tò mò, không phán xét và sử dụng cả trực giác để giúp khách hàng đạt được mục tiêu. Theo khảo sát của Association for Coaching, 60% người tham gia cảm thấy tự tin hơn sau khi nhận cố vấn (Association for Coaching, 2019).
Đặc điểm của khai vấn:
Tập trung vào mong muốn ở hiện tại và tương lai.
Khách hàng được khuyến khích tự khám phá, đưa ra giải pháp và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Coach sử dụng câu hỏi mở để đồng hành, kích thích tư duy phản biện và tự nhận thức.
Quá trình đồng hành khai vấn có thể trải qua nhiều phiên làm việc.
Ví dụ: Khách hàng muốn tìm cách tăng thu nhập cá nhân hàng tháng từ 50 lên 200 triệu. Nhà khai vấn có thể sử dụng các câu hỏi như sau để hỗ trợ: Việc đạt được thu nhập 100 triệu/ tháng thực sự có ý nghĩa gì với anh chị? Anh chị cho mình bao lâu thời gian để đạt được mục tiêu?, Anh chị đã từng thử những cách nào và rút ra điều gì?, Anh chị đang ấp ủ những ý tưởng nào?, Đâu là những nguồn lực bên ngoài có thể hỗ trợ anh chị đạt được điều đó?, Đâu là rào cản lớn nhất ở hiện tại?, Hành động gần nhất anh chị có thể làm để hướng tới mục tiêu?, v.v...
2. Cố Vấn (Advising/ Mentoring)
Cố vấn là hình thức hỗ trợ trong đó người cố vấn cung cấp lời khuyên, ý tưởng và hướng dẫn cụ thể để khách hàng đạt được mục tiêu. Lời khuyên của cố vấn dựa trên những hiểu biết, trải nghiệm và kinh nghiệm mà cá nhân đã đi qua, rồi truyền thụ lại.
Đặc điểm của cố vấn:
Tập trung giải quyết vấn đề hiện tại mà không nhất thiết phải phân tích quá khứ.
Cố vấn thường có kiến thức sâu về lĩnh vực mà họ hỗ trợ.
Cố vấn có thể cung cấp giải pháp, ý tưởng, lời khuyên rõ ràng cho các vấn đề cụ thể.
Ví dụ: Khách hàng vừa quyết định tham gia đầu tư khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Cố vấn có kinh nghiệm có thể chia sẻ hướng dẫn những việc làm cần thiết và những điều lưu ý trong giai đoạn đầu tiên, cũng như gợi ý những ý tưởng có thể sinh lời bền vững trong thời gian ngắn.
3. Tư Vấn (Counseling)
Tư vấn là hình thức hỗ trợ chủ yếu liên quan đến việc nghiên cứu vấn đề và cung cấp giải pháp chuyên môn cho các tổ chức hoặc nhóm. Nghiên cứu của American Psychological Association cho thấy các tổ chức sử dụng tư vấn để cải thiện hiệu suất có thể tăng năng suất lên đến 30% (American Psychological Association, 2022).
Đặc điểm của tư vấn:
Tư vấn thư ờng liên quan đến mục tiêu điều chỉnh chính sách, cải thiện quy trình làm việc, gầy dựng văn hoá tổ chức, phát triển chiến lược kinh doanh, v.v...
Tư vấn viên xem xét các yếu tố bên ngoài và bên trong tổ chức có tác động đến mục tiêu, dựa trên các nghiên cứu, học thuyết, mô hình, hiểu biết chuyên môn và khảo sát thực tế...
Nhà tư vấn cần có hiểu biết rất chuyên sâu về lĩnh vực hỗ trợ.
Ví dụ: Tập đoàn A. quyết định phối hợp với đơn vị tư vấn chiến lược kinh doanh B. để cùng tìm cách tăng trưởng gấp đôi doanh thu và tối ưu hoá lợi nhuận trong 3 năm tới.
4. Tham Vấn (Consultation)
Tham vấn thường một quá trình hỗ trợ tâm lý chuyên sâu, dành cho những người gặp khó khăn về cảm xúc, tâm lý, nội tâm. Cách tiếp cận của tham vấn tâm lý thường là đi về thấu hiểu các trải nghiệm nào trong quá khứ đã gây nên tắc nghẽn ở hiện tại, khơi thông dòng chảy sự sống hướng đến tương lai.
Đặc điểm của tham vấn:
Tập trung vào khám phá quá khứ để rõ hơn vấn đề hiện tại.
Tham vấn viên giúp khách hàng xử lý cảm xúc tắc nghẽn và thấu hiểu những trải nghiệm đau thương.
Quá trình tham vấn thường kéo dài qua nhiều phiên làm việc.
Ví dụ: Khách hàng X. cảm thấy không thể mở lòng để chào đón một tình yêu mới, dù rằng đã có nhiều người ngỏ lời, và cảm thấy nguyên nhân có thể đến từ những nỗi buồn chưa được giải quyết ở mối quan hệ cũ. Khách hàng X. tìm đến tham vấn tâm lý để nhờ hỗ trợ.
5. Chữa Lành (Healing)
Chữa lành có thể xem là một phần của quá trình tham vấn tâm lý, hỗ trợ cá nhân phục hồi từ những tổn thương tâm lý hoặc cảm xúc quá tiêu cực. Chữa lành có thể bao gồm việc sử dụng các phương pháp như thiền, yoga, hoặc các liệu pháp tâm lý như trị liệu nghệ thuật. Theo một nghiên cứu của National Institutes of Health (NIH), liệu pháp chữa lành có thể giúp giảm lo âu và trầm cảm ở những người gặp vấn đề về tâm lý (NIH, 2021).
Đặc điểm của chữa lành:
Tập trung vào phục hồi trạng thái tinh thần tổng thể, giúp cá nhân vượt qua những tổn thương tâm lý.
Có thể sử dụng nhiều phương pháp đa dạng khác nhau, từ vật lý đến tâm lý.
Ví dụ: Y. dù còn rất trẻ nhưng đang trải qua giai đoạn gặp áp lực (stress) rất căng thẳng trong cuộc sống hiện tại, dẫn đến giai đoạn trầm cảm nhẹ suốt 2 năm qua. Trong giai đoạn này, nhiều ký ức sang chấn trong tuổi thơ của Y. quay trở lại, làm cho Y. không còn có thể sống bình thường và làm việc ổn định. Y. quyết định nghỉ việc, dành thời gian tham gia những chương trình retreat thiền tập và nhờ sự hỗ trợ của tương tác năng lượng để chữa lành những thương tổn đã hằn sâu.
6. Đào Tạo (Training)
Đào tạo là quá trình truyền đạt kiến thức và kỹ năng trên diện rộng cho cá nhân hoặc nhóm, thông qua các chương trình học tập có cấu trúc. Chuyên gia đào tạo đóng gói các hiểu biết của mình vào các chương trình trải nghiệm có thiết kế chặt chẽ, giúp học viên đạt được mục tiêu gia tăng hiểu biết, nâng cao nhận thức cùng nhau. Theo nghiên cứu của American Society for Training & Development (ASTD), tổ chức có chương trình đào tạo bài bản có thể thấy sự gia tăng 24% trong năng suất làm việc (ASTD, 2018).
Đặc điểm của đào tạo:
Tập trung vào mục tiêu trang bị kỹ năng cụ thể hoặc chia sẻ nhận thức chung cần thiết cho công việc hoặc cuộc sống.
Phương pháp có cấu trúc: Đào tạo thường được thiết kế theo chương trình, có thể bao gồm giảng dạy, thực hành và đánh giá.
Nhắm đến nhóm trên diện rộng: Đào tạo có thể được thực hiện cho cá nhân hoặc nhóm lớn, thường trong bối cảnh tổ chức.
Ví dụ: Công ty N. quyết định tổ chức chương trình đào tạo "Năng lực thấu hiểu bản thân v à Kỹ năng giao tiếp nơi công sở" 3 ngày, 2 đêm liên tục dành cho 100 nhân viên khối văn phòng để cải thiện hiệu quả truyền đạt thông tin trong nội bộ.
Lưu ý rằng, mặc dù các hình thức hỗ trợ này có sự khác biệt rõ ràng, nhưng chúng cũng có nhiều điểm giao thoa. Chẳng hạn, cả khai vấn và cố vấn đều có thể tập trung vào việc đạt được mục tiêu, nhưng khai vấn thường mang tính tự khám phá hơn, trong khi cố vấn cung cấp giải pháp cụ thể. Tham vấn lại tập trung vào hỗ trợ tâm lý, trong khi tư vấn thường liên quan đến tổ chức và quy trình. Đào tạo, mặc dù chủ yếu tập trung vào phát triển kỹ năng, cũng có thể bao gồm các yếu tố hỗ trợ tâm lý, giúp người tham gia tự tin hơn trong công việc.
Ngoài ra, định nghĩa của từng hình thức hỗ trợ sẽ có thể khác nhau ở từng tập thể, công ty hoặc khu vực, vùng miền. Khi đó, cần nắm rõ bản chất và thống nhất cách hiểu chung trong tổ chức, tránh máy móc hoặc bám chấp vào những khái niệm chung.
Tóm lại, mỗi hình thức hỗ trợ con người đều có những đặc điểm và ứng dụng riêng, phục vụ các nhu cầu khác nhau của con người trong xã hội hiện đại. Hiểu rõ sự khác biệt này không chỉ giúp cá nhân tìm được hình thức hỗ trợ phù hợp mà còn giúp các chuyên gia trong lĩnh vực này áp dụng hiệu quả các phương pháp của mình. Việc lựa chọn đúng hình thức hỗ trợ có thể mang lại những thay đổi tích cực và bền vững cho cuộc sống của mỗi người.
Tài Liệu Tham Khảo
International Coach Federation (ICF). (2020). "Coaching Statistics."
Association for Coaching. (2019). "Coaching Impact Report."
American Counseling Association. (2021). "The Benefits of Counseling."
American Psychological Association. (2022). "Organizational Consultation and Productivity."
American Society for Training & Development (ASTD). (2018). "The Value of Training."