
Xu thế "Truth Marketing" thời hiện đại
0
22
0
Tháng 3/2022, Baemin triển khai chiến dịch mừng sinh nhật 3 tuổi với những thông điệp chân thành, dí dỏm, không hề khoa trương, đã bất ngờ "viral" trên nền tảng mạng xã hội và chiếm trọn trái tim của một bộ phận không nhỏ người Việt trẻ ở thị thành.
Tháng 10/2016, một chiến dịch được xem là "truyền thông bẩn" bị người tiêu dùng nhanh chóng phanh phui, khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tung ra thông tin khoa học mập mờ cho rằng 67% nước mắm truyền thống nhiễm Asen "độc hại" (trong khi Asen trong nước mắm truyền thống là loại hữu cơ, không gây độc hại). Chiến dịch được cho rằng xuất phát từ một hãng nước mắm công nghiệp đứng sau phối hợp. Dù chưa rõ thực hư, nhưng thông tin khoa học giả nhanh chóng bị cộng đồng mạng đẩy lùi.
Năm 2020, Burger King thay vì chụp những bức ảnh photoshoot đẹp đẽ hoàn hảo như thường lệ, đã để sản phẩm của mình bị thối rữa bởi nấm mốc tự nhiên và rồi mạnh mẽ tuyên bố: "Sản phẩm chúng tôi không hề có chất bảo quản nhân tạo!" qua chiến dịch mang tên "The Beauty Of No Artificial Preservatives". Ngoài ra, Burger King cũng loại bỏ màu sắc và hương vị nhân tạo ở hầu hết các quốc gia ở Châu Âu và Hoa Kỳ, khẳng định bước tiến cam kết mới trong việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Chiến dịch đã chiến thắng vang dội tại Cannes Lions 2020.
Có thể thấy, khi phần đông người tiêu dùng ngày càng trở nên nhạy cảm, tinh tế, thông thái và dễ kết nối lẫn nhau như hiện tại, những chiêu trò hay cách nói khoa trương của lối tiếp thị marketing cũ trở nên dễ bị phát hiện, lật tẩy và không còn hiệu quả. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, người dùng hiện nay dễ dàng tiếp cận mọi thông tin đánh giá sản phẩm. Họ không chỉ nghe những gì thương hiệu nói, mà còn tìm kiếm sự xác thực từ nguồn thông tin bên ngoài.
Đặc biệt sau Covid-19, người tiêu dùng trở nên quan tâm sâu sắc hơn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần bên trong, quay trở về với những giá trị thực sự cốt lõi và bản chất, thì nhu cầu tiêu dùng vật chất thừa mứa như trước (consumerism) cũng đã hạ nhiệt đáng kể. Các phong trào "mindfulness" được phát triển rộng rãi khiến người tiêu dùng ngày càng trở nên tỉnh táo và ý thức hơn trên từng quyết định mua sắm của mình nói riêng và từng lựa chọn trong cuộc sống nói chung.
"Khách hàng ngày nay tìm kiếm sự chân thật, sự đồng cảm và sự tôn trọng từ các thương hiệu," theo lời của Seth Godin, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu trong marketing.
Trên dòng chảy đó, "Truth Marketing" (Tiếp thị bằng sự thật) nổi lên như một xu thế, một triết lý, một phương pháp mạnh mẽ để xây dựng niềm tin, chữ tín, sự kết nối và sự trung thành giữa thế hệ người tiêu dùng mới với các thương hiệu chính trực, tử tế, bền vững. "Truth Marketing" khuyến khích các doanh nghiệp hành động minh bạch, chân thật, cam kết và có trách nhiệm. Theo Philip Kotler, "cha đẻ" của Marketing hiện đại thì "Sự thật là nền tảng của mọi thương hiệu thành công".
"Truth Marketing" bao gồm một số khía cạnh cơ bản:
Tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị thật sự cho người tiêu dùng và thúc đẩy tiến bộ xã hội, dựa trên nhu cầu và mong muốn thực sự của đối tượng mục tiêu.
Truyền tải những thông tin chân thật, chính xác, minh bạch về mọi khía cạnh của sản phẩm, dịch vụ, bao gồm không chỉ giá trị mà còn là những cẩn trọng, lưu ý cần thiết.
Cam kết, nhất quán với tuyên bố giá trị trong toàn bộ chuỗi hoạt động kinh doanh, xây dựng thương hiệu, không chỉ nhất thời mà bền vững theo thời gian.
Tuy thế, việc đảm bảo doanh nghiệp và thương hiệu có thể theo đuổi Truth Marketing cũng có nhiều thách thức cần đối mặt:
Rủi ro về tính nhất quán: Thương hiệu cần phải thực sự chân thật trong tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh. Bất kỳ sự không nhất quán nào giữa lời nói và hành động đều có thể gây tổn hại đến lòng tin từ khách hàng.
Rủi ro về tính minh bạch: Một số thương hiệu có thể lo ngại rằng việc công khai các thông tin tiêu cực, sơ sót hoặc nhiều mặt khác của vấn đề sẽ gây hại cho danh tiếng của họ. Tuy nhiên, sự thật lại có thể tạo ra cơ hội để xây dựng niềm tin.
Cạnh tranh về sự thật: Khi ngày càng nhiều thương hiệu áp dụng Truth Marketing, việc nổi bật giữa đám đông trở nên khó khăn hơn. Các thương hiệu cần phải đổi mới và sáng tạo để duy trì sự khác biệt.
Như vậy, xu hướng Truth Marketing đang trở thành một yếu tố thiết yếu trong chiến lược tiếp thị hiện đại, đặc biệt ở Việt Nam. Các thương hiệu cần phải cam kết với sự thật, minh bạch và có trách nhiệm để xây dựng lòng tin từ khách hàng. Như Simon Sinek, tác giả sách "Start with Why?" đã nói: "Khách hàng không mua những gì bạn làm, họ mua lý do tại sao bạn làm điều đó." Nếu giá trị thương hiệu xây dựng trên sự giả đối, thì thương hiệu khó có thể tồn tại trong thế giới ngày nay.
Sự thật sẽ là kim chỉ nam, là chìa khoá để thương hiệu phát triển bền vững và kết sâu sắc với khách hàng, với xã hội, với thế giới.